Chưa có tài khoản? (Đăng ký)       Quên mật khẩu?

DANH MỤC MÃ ISBN SÁCH TẶNG THEO CHƯƠNG TRÌNH CHUYÊN GIA CỐ VẤN ĐẠI HỌC CỦA DAAD NĂM 2023 - 2024 CỦA GIÁO SƯ HELMUT WEBER

slide4slide3slide2slide1

Văn hóa đọc thời hội nhập
Văn hóa đọc của người Việt vẫn mờ nhạt

Khách quan mà nói, hiện nay số lượng người đọc trẻ đến với sách đã nhiều hơn trước đây. Số người đưa sách về nông thôn cũng đã nhiều hơn. Cấu trúc thư viện dân sự đã hình thành với hàng chục nghìn tủ sách đến lớp học, dòng họ. Nhiều quán cà phê ở Hà Nội, TP. HCM đã có sách để khuyến đọc.

Tuy nhiên, so với tiềm năng đọc của trẻ thì bằng ấy chưa thấm vào đâu. Hiện tại, vẫn còn hơn 14 triệu trẻ em nông thôn chưa có sách nghe và đọc hàng ngày. Mới chỉ hơn một triệu trẻ được hưởng lợi từ các tác động của Chương trình “Sách hóa Nông thôn” và các mô hình thư viện khác.

Về môi trường đại học, tôi từng phỏng vấn khá nhiều sinh viên trong 20 năm qua, phần đa vẫn đọc sách giáo trình. Không nhiều em đọc rộng ra bên ngoài để có tri thức tổng hợp hỗ trợ nghề nghiệp và lối sống trong tương lai. Nói chung, chúng ta cần nỗ lực rất nhiều để cải thiện thực trạng này, nhất là đẩy nhanh tốc độ để 14 triệu trẻ nông thôn có sách nghe và đọc.

Văn hóa đọc không còn là chuyện của riêng nước nào mà trở thành vấn đề mang tính toàn cầu, trong đó có Việt Nam.

Đồng thời, qua các khảo sát của chúng tôi, trẻ nông thôn chỉ đọc từ 1- 5 cuốn sách ngoài sách giáo khoa/năm học. Trẻ em nhà trung lưu trí thức Hà Nội đọc khoảng 10 - 40 đầu sách/năm. Trong khi đó, tại một số trường học và vùng tôi biết ở Mỹ, số sách trẻ được nghe (dưới 5 tuổi)/năm là 30-100 đầu sách, số sách trẻ được đọc cũng từ 30-100 đầu sách/năm. Như vậy, sự chênh lệch nghe và đọc sách giữa trẻ Việt Nam và một số vùng ở Mỹ là rất lớn.

Một khảo sát đăng trên một tờ báo lớn của Arab cho biết, bình quân mỗi trẻ em Tây Âu dành 12.000 phút đọc sách/năm. Số thời gian ấy, nếu quy ra sách thì một trẻ Tây Âu đọc khoảng 30-40 đầu sách, với mỗi đầu sách dày từ 200-250 trang.

Tháng 10 năm ngoái, cô Nguyễn Thị Hồng Ngân (dạy tiếng Anh) là người khởi động hệ thống Tủ sách Lớp em ở Phổ thông Trung học Lê Hữu Trác (Hương Sơn, Hà Tĩnh) làm khảo sát về sự đọc của học sinh trong trường. Kết quả thu được con số mỗi học sinh đọc 0,3 cuốn sách ngoài sách giáo khoa/năm học.

Có lẽ, văn hóa đọc của bạn trẻ vẫn còn mờ nhạt do họ không có thói quen đọc từ nhỏ vì thiếu sách, thiếu cả tác phẩm được trích dạy trong sách giáo khoa. Trong khi đó, người lớn không quan tâm nhiều đến việc đọc sách của trẻ và nạn thiếu sách vẫn tiếp diễn.

Cần sự chung tay của cả cộng đồng

Rõ ràng, với một người Việt chỉ đọc 0,8 cuốn sách/năm (Theo số liệu của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, năm 2013) là sự thất bại của giáo dục nước nhà. Nguyên do là các nhà thiết kế sách giáo khoa đã không biết tiềm năng nghe và đọc sách của học sinh vô cùng lớn. Cách dạy chỉ vẻn vẹn trong trong sách giáo khoa, thậm chí học sinh không có các tác phẩm được trích dùng trong sách giáo khoa để đọc đã vô tình “giết chết” tiềm năng đọc của học sinh ngay trên ghế nhà trường.

Cùng với đó, thiết kế sách giáo khoa đã “khóa đường” đến thư viện của trẻ em. Vì thế, hệ thống thư viện trường học “chết lâm sàng” hàng chục năm. Thầy cô cũng là sản phẩm của sách giáo khoa và giáo trình. Họ ít đọc ngoài, đồng thời cũng là nạn nhân của thiếu sách, thành ra họ không quan tâm nhiều đến việc đọc của học sinh. Cha mẹ đa phần không có thói quen đọc vì họ cũng là sản phẩm của nền giáo dục ít đọc sách. Đặc biệt, ở nông thôn rất hiếm hiệu sách. Thật may, ở khu vực đô thị, tầng lớp công chức, trí thức, doanh nhân đã và đang quan tâm việc đọc của con họ, số trẻ đọc nhiều sách đang tăng dần.

Chúng ta vẫn kêu gọi trẻ em đọc sách nhưng nhiều trẻ em nông thôn vẫn chưa được tiếp cận với sách, nhiều trường vẫn chưa có thư viện. Để giúp các bạn trẻ đến gần hơn với sách, theo tôi không thể thay đổi cục diện nhờ một, hai cá nhân nào đó mà cần sự chung tay của cả cộng đồng.

Nạn đói sách, yếu kém của thư viện và lối suy nghĩ “sách giáo khoa đã đủ” vốn được nói nhiều trên các diễn đàn. Các giải pháp vĩ mô và các mô hình thực chứng hiệu quả là các tủ sách đến lớp học, dòng họ đã được đề cập. Do truyền thông liên tục và vận động tạo được một số “chính sách mềm” của “Sách hóa Nông thôn”, thành viên xã hội tham gia đưa sách về nông thôn đã khá nhiều.

Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục vận động phụ huynh, học sinh, cựu học sinh và các thành viên xã hội khác nhân rộng tủ sách đến lớp học, dòng họ... Chúng tôi sẽ làm việc với ngành giáo dục để họ tạo ra những chính sách khuyến đọc hiệu quả để học sinh được nghe và đọc sách đúng tiềm năng của các em. Xã hội nên nhận thức sâu sắc rằng, tiếp tục để trẻ em thiếu sách và không đọc sách là tước đoạt cơ hội nghề nghiệp của công dân cũng như lãng phí tiềm năng nhân văn của xã hội và sáng tạo quốc gia.

Người lớn thay vì đổ lỗi cho trẻ không đọc sách thì hãy giúp trẻ em có sách khắp mọi nơi. Có thể nói, ở nhà, trẻ không đọc sách là lỗi của cha mẹ. Ở trường, trẻ không đọc sách là lỗi của thầy cô. Để trẻ thiếu sách đọc là lỗi của tất cả thành viên xã hội. Đã đến lúc, chúng ta không thể thiếu đội ngũ nghiên cứu, đánh giá và đề xuất chính sách cho khuyến đọc.

Văn hóa đọc không còn là chuyện của riêng nước nào mà trở thành vấn đề mang tính toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Thiết nghĩ, thói quen đọc sách cần được tạo dựng như một nhu cầu tất yếu của mỗi con người. Hiện nay, chúng ta đã có nhiều nhà xuất bản hơn, nhờ internet nên việc tiếp cận sách dễ dàng hơn, có nhiều cộng đồng đọc sách ngay cả ở ngoài lẫn trên mạng xã hội. Từ những trải nghiệm thực tế của mình về văn hóa đọc tại các nước phát triển hơn, tôi nghĩ, để thói quen đọc sách trở thành văn hóa đọc, để xã hội coi trọng tri thức thông qua việc đọc sách, chắc chắn phải có sự chung tay của cả cộng đồng.

Nguyễn Quang Thạch

Chương trình “Sách hóa nông thôn”

 

Thống kê

1804032
  • Số đầu sách: 7052
  • Số cuốn sách: 22872
  • Tài liệu số: 4110
  • Tổng lượt truy cập: 1804032
  • Hôm nay: 426
  • Hôm qua: 1710
  • Tuần này: 5006
  • Tuần trước: 5220
  • Tháng này: 18776
  • Tháng trước: 734804
  • Đang online: 42